Nhập Đạo

GIEO DUYÊN

Thanh Tịnh Kinh ngày đọc 10 lần, rồi dần dần tăng. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên ban đầu ngày đọc 1-2 lần, sau thì 3-5 lần, sau thì 10 lần. Sau này thì thêm Đạo Đức Kinh Côn Lôn ngày 1 lần, đọc hán việt là được, không cần hiểu nghĩa, lâu dần tự có sở ngộ.


CHÂU THIÊN NGHỊCH CHUYỂN CÔNG PHU

Mục đích: Thanh lọc bản thể, khai mở hệ thống kinh mạch, gia tăng sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật, đưa tâm dần dần trở nên vi tế bước vào cảnh giới nhập định.

Thời gian:  Tập vào giờ tí (23h đêm – 01h sáng), công phu lâu mau tùy theo sức .

Không gian: Phòng hoàn toàn tối, không lọt một chút ánh sáng nào.

Điều thân: Ngồi bán già, chân phải để trên chân trái, bàn tay phải nắm bàn tay trái đặt trước bụng. Không được nhắm mắt, hai mắt lim dim nhìn xuống dưới, mới đầu công phu chỉ cần hơi khép mắt lại, sau khi đã nhập định thì tự nhiên sẽ lim dim, không cưỡng ép, miệng ngậm, lưỡi để tự nhiên ở hàm dưới, công pháp này không yêu cầu phải cong lưỡi vì ảnh hưởng tới nhập tĩnh.

Chỉ cần đầu lưỡi không đụng vào hàm trên là được rồi, bàn tay này nắm lấy tay kia, mục đích là khi hít thở có thể hai tay hơi nắm chặt lại để tập trung, không phải là huyệt lao cung úp vào nhau như thế bắt tay mà là lòng bàn tay phải úp lên mặt ngoài tay trái, nếu biết cách nắm tay theo ”Tí Ngọ liên hoàn bát quái thủ” của đạo gia thì cũng được.

Điều tâm: Ngừng tạp niệm, không tập trung vào bất cứ điều gì, theo ánh mắt nhìn xuống khoảng đen tối trước mắt.

Điều tức: Yêu cầu phải thở được kiểu bụng ngược, hít vào thì phần bụng dưới rốn thót lại, thở ra thì phình ra, các bạn nào chưa rõ thì tìm cách sách khí công để tham khảo cho biết chính xác cách hít thở. Hiện nay các sách khí công thường đưa thêm hướng dẫn cong lưỡi và co rút hậu môn nhằm nối thượng, hạ thước kiều, công phu này không dùng tới, yêu cầu bỏ phần đó, chỉ cần chú ý tới phép hít thở ngược thôi. Tập điều tức khi nào thuần thục thì hãy bắt đầu công phu Châu Thiên Nghịch Chuyển.

Châu Thiên Nghịch Chuyển:

Sau khi đã điều thân, điều tâm, điều tức vài ba hơi để tập co giãn bụng dưới thì bắt đầu chuyển pháp luân.

Theo phép thở bụng kiểu ngược thì khi hít vào bụng dưới từ từ co lại, đến đây thay vì thở ra hành giả tiếp tục hít vào, hít vào.. (thời gian tối thiểu phải đạt được là 1 phút), bụng dưới vẫn tiếp tục co lại đến khi cảm thấy ngộp thở không thể tiếp tục hít vào  được nữa thì từ từ thở ra bằng mũi, nhưng không cố gắng phình bụng hết sức như kiểu thở ngược mà chỉ thở ra từ từ, bụng dưới chỉ hơi phình như đang giãn ra mà thôi, không thở ra hết không khí trong phổi, đó là một hiệp.

Tiếp tục thực hiện hiệp hai, ba đến khoảng chín hiệp thì ngừng, có thể tự nhiên nhập vào đại định. Có nhiều người khi thực hiện khoảng ba hiệp thì thấy tự nhiên nhập định, thì cứ để nhập định như vậy, tạm thời ngưng pháp luân, đến khi xuất định lại tiếp tục pháp luân, nếu thấy nhiều tạp niệm thì dùng thần chú ‘Ôm Mani Pát Mê Hum” vài ba lần sẽ hết.

Công phu xong thì nằm xuống ngủ luôn, lợi dụng giấc ngủ để cho nội khí tự động vận hành.

Chứng nghiệm:

Sau khi nằm xuống có thể thấy điện giật, bên tai có gío bão nổi lên, mắt nhìn thấy những đốm sáng như sao, đó là nội khí vận hành không có gì đáng ngại, thường người mới tập luyện do kinh mạch chưa thông thoáng dễ thấy hiện tượng trên, sau một thờ gian cơ thể được thanh lọc sẽ hết.

Ghi chú về thở: Tạm nói như thế này cho dễ hình dung, ta ví thân mình làm ba phần, phần trên từ cổ tới ngực, phần giữa từ ngực tới rốn, phần dưới từ rốn tới bụng dưới. Như vậy 3 kiểu hô hấp chính được tạm thời mô tả như sau( các bạn đừng hiểu theo kiểu chẻ chữ ra làm đôi nhé):

1.Kiểu ngực: Khi hít vào chủ yếu là phần trên căng lên.

2.Kiểu thở bụng thuận: Khi hít vào thì chủ yếu phần dưới căng lên

3.Kiểu thở bụng nghịch: Khi hít vào thì phần giữa căng lên, trong khi đó phần dưới thì thắt lại.

Khi tập luyện các bài hít thở, thì tuân thủ cách thở theo bài tập là tự nhiên nhất.

Những lưu ý để tập tốt Châu thiên nghịch chuyển:

– Muốn nhập định thì phải Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng.

Vậy thế nào là đạt chất lượng? đó là:

– Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt 9 hiệp thì phải cảm thấy rất mệt, hết sức lực.

– Nguyên tắc của Châu Thiên Nghịch Chuyển là khi hít vào mặc dù biết không thể hít thêm vẫn cố gắng hít thêm tối đa đến khi không thể cố gắng được nữa mới thở ra, một hiệp tối thiểu đạt 1 phút.

– Làm Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng, thì sau mỗi hiệp hơi thở sẽ dồn dập, phải nghỉ điều hoà hơi thở 3-5 hơi (điều hoà bằng thở thuận) rồi lại tiếp tục hiệp 2, nếu có thể làm liện tục hiệp 1, 2, 3.. 9 mà không cần nghỉ là chưa đúng nguyên tắc.

– Làm Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng thì sẽ tự nhiên nhập định, hơi thở tự nhiên chứ không phải thở nghịch nữa, thở nghịch chỉ dùng khi làm Châu Thiên Nghịch Chuyển thôi.

Điểm quan trọng: vì chúng ta sử dụng “‘phong“‘ để khai thông kinh mạch, nên Châu Thiên Nghịch Chuyển quan trọng nhất là động tác hít vào, hít vào, hít vào nữa, không thể hít vào nữa vẫn tiếp tục hít vào, khi này chắc chắn một phần không khí sẽ bị đẩy ngược ra ngoài để có chỗ trống cho phần không khí mới tiếp tục vào, và cứ thế đẩy ra cứ thế hít vào , đây là yếu quyết chính để Châu Thiên Nghịch Chuyển thành công, khi đó các bạn có thể sẽ nhận thấy là phần bụng dưới bị nén chặt cũng có thể bị rung động nhào nắn mạnh, thấy như vậy là bạn đã hoàn thành Châu Thiên Nghịch Chuyển trọn vẹn.

THIỀN ĐỊNH

(Sau khi tập CTNC được 6 tháng thì bắt đầu tiến hành thiền định.)

Châu Thiên Nghịch Chuyển là phép luyện Tinh hoá Khí, thiền định là phép luyện Khí hoá Thần, cho nên sau khi Châu Thiên nghịch chuyển (PLNC) thì chân khí sẽ tiến sang Đốc mạch, thì bắt buộc phải thiền định để chân khí vượt Ngọc Chẩm nhập vào Nê Hoàn Cung hoá thần. Đây là công pháp truy nhiếp nguyên thần về Nê Hoàn Cung mà cổ tiên giấu kín, nay sư huynh đem ra công truyền. Người luyện thiền định này coi như đã đặt một chân vào đại đạo, cho nên khi thực hành nếu có gặp nhiều trải nghiệm huyền ảo cũng không nên lo sợ.

Nguyên tắc của phép thiền định đạo gia là ”tâm tức tương ỷ”, đó là phép làm cho thần khí quyến luyến lẫn nhau không rời ra, nói theo thế tục thì thần khí cũng như âm dương, nam nữ, dùng chân ý làm người mai mối khiến cho thần khí giao kết thì sẽ tiến vào cảnh giới nhập định, có thể khiến cho hô hấp ngừng lại, đạo gia gọi là thai tức, phép này được chỉ rõ trong ”Lục diệu pháp môn” của nhà Phật và ”Thái ất kim hoa tông chỉ” của Lã Tổ, Chỉ có điều người xưa khi truyền công pháp đều muốn người ta phải phát huy ”ngộ tính” thì mới có thể chứng nghiệm hiệu quả. Vì thế mà phép này truyền ra đời cũng ít thấy ai hiểu mà tu luyện hiệu quả. Nay tôi đặc biệt chỉ ra chỗ ”ngộ” này cho các bạn hiểu.

Nếu thiền với tư thế ngồi thì sau khi Châu Thiên nghịch chuyển, thì bước sang thiền định, về tư thế thì có thể hai tay vẫn ôm nhau như khi châu thiên nghịch chuyển, hoặc là hai tay tách ra đặt xuống hai đầu gối, tư thế nằm thì nằm ngửa hay nghiêng cũng được miễn sao cho thoải mái. Tùy theo từng người thấy phép nào hợp thì theo

Yếu quyết: Miệng ngậm, hai mắt nhắm kín, hai tròng mắt ngước nhìn lên khoảng đen tối phía trên trán, im lìm như mèo nằm rình chuột, tuy nhiên không được quá tập trung căng thẳng, đầu óc không suy nghĩ gì cả, ngưng mọi tạp niệm. Nếu thấy tạp niệm khởi lên thì dùng tâm tức tương ỷ mà thâu nhiếp, tuyệt đối không thủ ý vào bất kỳ huyệt đạo nào trên đầu. Thời gian thiền định tối thiểu là 30 phút.

Thông thường sau khi Châu Thiên nghịch chuyển thì tự nhiên nhập định rồi, được một lúc sẽ thấy mức độ nhập định không sâu nữa gọi là sắp xuất định thì thực hiện pháp ”Tâm tức tương ỷ” này, từ từ hít vào, trong lúc này tâm theo dõi quá trình hít vào, sau đó lại từ từ thở ra, tâm theo dõi quá trình thở ra, nguyên tắc là hít vào 8 phần hơi, thở ra 6 phần hơi, không được hít đầy, cũng không được thở ra cạn hơi, một lần hít vào thở ra là một hiệp, thực hiện 3 hiệp như vậy rồi ngưng, tiếp tục nhập định, ngưng mọi tạp niệm, khi đó sẽ cảm thấy trí giác ngày càng lịm đi, đến khi nào thấy sắp sửa xuất định thì lại thực hiện ”Tâm tức tương ỷ”. Làm tốt pháp này thì có thể ”siêu phàm nhập thánh”, chứng nghiệm được mọi ấn chứng được nói tới trong ”Toạ thiền chỉ quán” của nhà Phật.

– Lưu ý: Khi ”Tâm tức tương ỷ”, tiến hành hô hấp bụng kiểu thuận, hít vào bụng căng lên, thở ra xẹp xuống.

– Giải thích:  Tại sao chỉ hô hấp 3 hiệp trong một lần ”Tâm tức tương ỷ”?

Vì chân ý như bà mai mối cho thần khí vậy, khi tâm theo dõi hơi thở chính là đang mai mối cho thần và khí, nếu chân ý cứ theo dõi liên tục mấy chục hiệp thì cũng như nam nử đến gặp nhau mà có bà mai đứng đó ngó hoài thì làm sao kết hợp được, đây là điểm mấu chốt của pháp này. Vì thế nhiệm vụ của bà mai chỉ là dẩn dắt đoạn đầu rồi sau đó phải đi chổ khác thì thần khí mới phối hợp được, do đó mà mỗi lần “tâm tức tương ỷ” chỉ làm 3 hiệp thì ngừng.

 Hỏi:

Mới tập vài hôm, mình quan sát thấy : khi phần bụng dưới thắt lại, thì vùng chứa khí hít vào sẽ bắt đầu từ phần cơ hoành (tương ứng với phần giữa cơ thể như HuyenQuangTu vừa nêu), nhưng do hít vào từ từ đến mức đầy, nên từ phần cơ hoành trở lên sẽ dần dần đầy chỗ chứa : phần giữa đầy, phần ngực đầy cũng phải căng lên, phần ngực đầy rồi sẽ tới phần cổ đầy, phần cổ đầy rồi vẫn còn chỗ chứa nữa là các hốc xoang, khi các hốc xoang đầy rồi thì sẽ không hít vào được nữa.

Tới giai đoạn thở ra, thì ngay khi thở ra sẽ không thể phình bụng ngay được, mà hơi ở vùng trên được giải toả hết rồi thì vùng dưới mới phình ra được. Tức là quá trình phình phải lần lượt từ trên xuống dưới, khi hơi ở xoang ra hết sẽ đến cổ, đến ngực, khi hơi ở ngực ra hết thì mới bắt đầu có thể phình phần giữa và khi hơi ở phần giữa ra hết thì mới bắt đầu có thể nới lỏng dần đai bụng dưới rốn từ từ.
Như vậy quá trình phình bụng khi thở ra cũng phải nương theo quá trình không khí thoát ra một cách tuần tự, chứ không cố ý ngay từ đầu được.
HuyenQuangTu có thể nói rõ hơn về phạm vi chứa khí được không ? Vì nếu đã hít đầy hơi thì phần ngực sẽ căng hơn phần giữa vì thể tích nó lớn hơn nhiều (có chỗ nào chứa được sẽ tự nhiên chứa bằng hết).
Đáp:
Ban Tienkyanh mô tả cách hít thở bụng kiểu nghịch như vậy là chính xác và khoa học, tuy nhiên chúng ta không nên quá quan tâm đến chuyện không khí sẽ vào ra như thế nào, vì thực sự chúng ta không sử dụng không khí để khai thông kinh mạch, mà sử dụng một lực lượng gọi là “phong”, nó nương theo không khí vào cơ thể khi ta hít vào, phạm vi hoạt động của nó vượt ra ngoài không khí, vì thế nếu quá chú tâm vào không khí sẽ chứa ở đâu thì sẽ bị máy móc, các bạn chỉ cần biết rằng mình đang hít thở vào sâu dài từ từ theo kiểu bụng nghịch thì không khí sẽ tự biết vào đúng chỗ của nó, dĩ nhiên như bạn Tienkyanh đã mô tả, thì quả thật không khí sẽ vượt lên chứa đầy cổ và cả các xoang, khi thở ra cũng vậy, ta cũng chỉ chú ý vào chuyện thở ra từ từ và tập trung vào động tác dãn bụng dưỡi cho đến khi phình ra. Những gì bạn Tienkyanh mô tả là hoàn toàn chính xác.
Điểm quan trọng:vì chúng ta sử dụng ”phong” để khai thông kinh mạch, nên PLNC quan trọng nhất là động tác hít vào, hít vào, hít vào nữa, không thể hít vào nữa vẫn tiếp tục hít vào, khi này chắc chắn một phần không khí sẽ bị đẩy ngược ra ngoài để có chỗ trống cho phần không khí mới tiếp tục vào, và cứ thế đẩy ra cứ thế hít vào, đây là yếu quyết chính để PLNC thành công, khi đó các bạn có thể sẽ nhận thấy là phần bụng dưới bị nén chặt cũng có thể bị rung động nhào nắn mạnh, thấy như vậy là bạn đã hoàn thành PLNC thành công trọn vẹn.
PLNC chính là phép luyện đả thông mệnh môn ( là phần đối diện với rốn ở sau lưng).
Tu luyện sai lệch phần nhiều do các nguyên nhân thủ ý, dẩn ý, cong lưỡi, nay PLNC không dùng tới tất cả những phép luyện đó, nên không thể có sai lệch, hoàn toàn phù hợp nếu kết hợp với các môn khác (khí công, nhân điện…), và hỗ trợ chữa trị nếu do tập các môn khác phát sinh sai lệch, nếu kết hợp với các môn khác thì nên tập PLNC sau cùng, rồi sau đó ngồi thiền định nhập tĩnh luôn.
Lưu ý, sau khi tập PLNC thì phải dành khoảng 30 phút thiền định, vì PLNC là để hỗ trợ thiền định.
-Trạng thái nín thở là trạng thái thanh quản bị đóng lại, nên sẽ có hiện tượng đỏ mặt
-PLNC hoàn toàn không có trạng thái đóng thanh quản, thanh qủan lúc nào cũng mở nên không có trạng thái nín thở, mà thực sự khi bạn hít vào đầy hơi , vẫn tiếp tục hít vào thì sẽ có một phần không khí ở phía trên cổ và các xoang sẽ bị đẩy ra để không khí mới vào, bạn hãy hình dung không khí trong cơ thể bạn và bên ngoài vẫn thông suốt với nhau chứ không có hiện tượng ngăn cách trong và ngoài khi làm PLNC
-khi bạn thở ra, thì phần không khí ở phía trên sẽ ra trước, khi phình bụng bạn sẽ có cảm giác là không khí vừa ra đằng mũi làm ngực trống mà vừa đi sâu xuống bụng dưới khi phình bụng.
Khi thở ra bạn hãy chú ý vào chuyện thở không khí ra và phình bụng dưới.
Hô hấp Đạo gia: Cũng gọi là hô hấp nghịch được dùng để chuẩn bị cho khí lưu thông, và sự phát triển đúng đắn của nó có ý nghĩa quyết định. Cử động bình thường của bụng dưới bị đảo ngược. Thay vì phình ra khi hít vào , đạo gia thót lại, và ngược lại. Ta không bao giờ giữ hơi lại hoặc cưỡng ép nó. Hít vào từ từ bằng mũi , giữ cho hơi thở được êm dịu và dễ dàng, co bụng dưới lại, nâng nó lên. Khi phổi đầy hơi, bắt đầu thở ra nhẹ nhàng. Hít vào được coi là âm , thở ra là dương. Chúng phải hoạt động chung như vòng tròn Âm dương, cái này trở thành cái kia một cách êm dịu và không cố gắng trong một động tác buông lỏng. Khi thở ra, từ từ đẩy Đan Điền và bụng dưới ra. Vùng Đan Điền là nơi khí sinh ra và tích tụ để khởi vòng Tiểu Chu Thiên. Vì vậy , cơ bắp quanh Đan Điền phảI được luyện tập sao cho có thể co lại và phình ra vừa đủ khi người tập hít vào và thở ra. Trước hết phình bụng dưới khi thở ra có lẽ khó khăn , nhưng với thực hành các cơ bắp sẽ tập càng lúc càng to hơn đến khi toàn thể bụng dướI căng từ rốn đến xương chậu khi thở ra. Ta không nên cưỡng ép Đan Điền phình ra, mà phải làm nhẹ nhàng đến khi thành công.
Toàn thể tiến trình là một hình thức hô hấp sâu, không phải vì hô hấp nặng nề, mà vì nó làm cho phổi gần đầy. Nhiều người tập các bài đòi hỏi nhiều cố gắng phải hô hấp vất vả, họ không tất yếu thở sâu. Thở sâu làm cho nội tạng rung động nhịp nhàng với hơi thở, làm kích thích và luyện tập chúng. Nội tạng không có tiếp thu loại nội luyện này mà không có thở sâu. Ta có thể thấy rõ nhiều hình thức tập luyện hung bạo chỉ ảnh hưởng cơ bắp bên ngoài, tác dụng ít ỏi tới nội tạng.

CÁC BÀI TẬP PHỤ TRỢ

TIẾN DƯƠNG CÔNG

1.Đứng thẳng, hai chân rộng hơn hai vai, hai tay mở chưởng buông xuôi theo thân mình.
2.bắt đầu hít sâu vào bụng, xuống trung bình tấn, hai chưởng xoay ra sau lưng, tưởng tượng hai chưởng đang hổ trợ lưng đẩy một tảng đá lớn đang tiến tới áp sát lưng, vẫn tiếp tục hít sâu vào.
3.Vẫn tưởng tượng kết hợp hít sâu vào, đến khi nào không thể chịu đựng được nữa thì từ từ đứng thẳng dậy, hai chưởng xoay ngửa theo hai bên thân đẩy thẳng lên trời, đồng thời kết hợp thở ra từ từ bằng mũi.

THOÁI ÂM CÔNG

– Đứng thẳng, hai chân rộng hơn hai vai, hai tay mở chưởng buông xuôi theo thân mình.

– Bắt đầu hít sâu vào bụng, xuống trung bình tấn. Hai chưởng đẩy thẳng tới trước măt. Tưởng tượng hai chưởng đang đẩy một tảng đá lớn đang từ từ tiến đến áp sát ngực. Tưởng tượng hai chưởng không thể chống đỡ nổi tảng đá vẫn đang tiến tới áp sát vào ngực, hai chưởng bị tảng đá đẩy phải co về trước ngực, vẫn tiếp tục hít sâu vào.

– Vẫn tưởng tượng kết hợp hít sâu vào, đến khi nào không thể chịu đựng được nữa thì bất ngờ đẩy mạnh hai chưởng về trước, tưởng tượng tảng đá bị đẩy bật văng ra xa, đồng thời kết hợp thở ra thật mạnh bằng mũi.

Thời gian: Tập hai buổi chính là sáng tiến dương và chiều thoái âm.

NGOẠI CHÂU THIÊN

Hai chân đứng bằng vai, quay 2 tay từ sau ra trước, khi 2 tay sau lưng thì bàn tay ngửa lên, khi 2 tay qua đầu đi xuống thì úp bàn tay lại, khi qua đỉnh đầu khoảng cách 2 tay nhỏ hơn vai, không để hai tay chạm nhau, quay tốc độ vừa phải sao cho khi tay đi lên hít vào khi tay đi xuống thở ra.

Bài này luyện phần phách bao quanh thân và đồng thời cũng có tác dụng thông mạch (có tác dụng thông mạch tương tự bài phất tay Dịch cân Kinh nhưng khó tập hơn vì mau mỏi tay mỏi vai ,tuy nhiên tập tốt và chăm chỉ có thể gây tự phát động công và tay quay tự động hàng nghìn vòng không mỏi).

BÀI TẬP NỘI CÔNG

– Bài tập này các bạn tập vào buổi sáng, có tác dụng hấp thu địa khí, làm khí huyết lưu thông, giãn gân cốt do ngồi thiền lâu, ổn định nhịp tim và huyết áp bất thường.có thể chữa được bệnh đau thần kinh toạ, hoặc những ai do luyện khí công bị đau chân thì cũng công hiệu tốt.

– Đứng thẳng, hai chân dang rộng hơn vai, hít vào, bụng căng ra, nâng hai tay (mở chưởng) lên ngực, bắt đầu nín thở, hai chân rùn xuống tấn mã bộ, hai chưỡng hướng xuống đất, gồng cứng hai chân và hai tay, tưởng tượng mặt đất đang nâng lên còn mình thì đang dồn toàn bộ sức lực xuống chân để ấn mặt đất xuống, tùy theo khả năng nín thở rồi bắt đầu thu thế, từ từ thở ra bằng miệng, hai chân từ từ đứng thẳng như cũ, hai tay nâng lên ngực rồi hạ xuống hai bên thân về tư thế ban đầu.

BÀI NỘI CÔNG TRỤC TÀ

Âm tà vào người theo đường xương sống từ dưới đất lên, những người có căn âm bẩm sinh, hoặc là tập thiền ngồi trên nền đất có âm khí nhiều dễ bị nhiễm.

Bài nội công trục tà :
Tương tự như 2 bài tỉến dương thoái âm nhưng hai tay nắm chặt 2 quả đấm buông dọc theo thân mình hướng xuống đất, bắt đầu hít vào bụng , gồng cứng 2 cánh tay và 2 chân tưởng tượng mình nặng như một quả tạ, sức ì nặng ngày một tăng dần đè xuống mặt đất, hai chân rùn xuống tấn mã bộ vững chắc, đầu cúi nhìn xuống mặt đất, gia tăng quán lực, khi nào không thể hít vào được nữa thì thở ra đồng thời thư giãn toàn bộ cơ thể, hai tay mở ra tự nhiên, hai gối đứng thẳng dậy, tiếp tục làm hiệp 2.
Tại giường ngủ hoặc chỗ tập thiền vẽ quẻ dịch ‘phong địa quan’ , thường nhìn vào hình quẻ dịch quán niệm, khi thấy hiện tượng xấu thì quán tưởng và niệm tên quẻ dịch.

TÂM TỨC TƯƠNG Y

Đây là một công pháp rất nhiều huyền diệu.

Từ từ hít vào, trong lúc này tâm theo dõi quá trình hít vào, sau đó lại từ từ thở ra, tâm theo dõi quá trình thở ra, nguyên tắc là hít vào 8 phần hơi, thở ra 6 phần hơi, không được hít đầy, cũng không được thở ra cạn hơi, một lần hít vào thở ra là một hiệp.

Tâm theo dõi hơi thở. Thở nhịp nhàng khoảng 3 lần vào ra như vậy thì dừng để nội khí tự vận hành, thần khí tự quyến luyến nhau, khoảng vài phút lặp lại một lần.

Chăm tập TÂM TỨC TƯƠNG Y và nhận thấy nó rất tuyệt, nó thúc đẩy nội khí vận hành rất mạnh, thần khí quyện vào nhau, tâm trí như say, như mơ. Lúc tập nên thả lỏng tâm trí, buông lơi tất cả, bám vào hơi thở thật nhẹ nhàng, không nên dùng sức mà thật nhẹ nhàng ta sẽ thấy tất cả như quyện chặt vào nhau…. rất khó tả

ĐỘNG TÁC THU CÔNG

Mọi người tu tập CTNC khá lâu rồi mà chưa thấy sư huynh nói gì tới thu công chắc cũng có người thắc mắc, bây giờ sư huynh mới nói rõ tại sao. Trong các bài quyền thuật khí công thường khi kết thúc có động tác thu công, vậy động tác này dùng làm gì? Xin trả lời động tác thu công dùng để đưa hệ thống kinh mạch trở lại bình thường, như vậy CTNC chưa dạy thu công chắc là có thiếu sót hay sao? Không phải vậy, thực ra động tác thu công chỉ thực hiện khi nào hệ thống kinh mạch đã khai mở mà thôi, và không những thu công chỉ dùng sau khi tập mà bất kỳ lúc nào cũng có thể sử dụng vì mục đích của nó là giúp cho sư vận hành khí điều hoà bình thường. Do đó nếu kinh mạch chưa khai thông thì thu công không có ý nghĩa gì cả. Đối với khá nhiều bài quyền thuật khí công, sư huynh thấy chỉ là một động tác quy tắc mà thôi. Động tác thu công được thực hiện như sau: Hai bàn tay chắp lại như khi lễ Phật, nhưng từng cặp ngón tay  tách rời nhau ra thoải mái chứ không khép sát nhau như khi lễ Phật.

Để hiểu tại sao phải dùng động tác thu công như trên sư huynh nhường lại cho mọi người tự tìm hiểu, sau khi kinh mạch khai thông thì sẽ tự có lời giải đáp.

BÀI TẬP SỬ DỤNG CHÂN HỎA TAM MUỘI

Bài tập sử dụng chân hỏa tam muội rất đơn giản chỉ là động tác lim dim hai mắt, thuật ngữ đạo gia gọi là ‘buông rèm’, có tác dụng thu hút được ánh sáng của nhật nguyệt giao quang giúp thanh lọc cơ thể. Trong loạt bài trừu thiêm sư huynh đã giảng rõ dùng hô hấp thu hút âm khí từ hệ kinh mạch ngoài vào trong và dùng nội đan tiêu diệt. Tuy nhiên người không có nội đan thì dùng kỹ thuật thu hút chân hỏa tam muội này bổ khuyết. Không có gì phải ngạc nhiên tại sao các phái tu thiền Phật giáo như Thiên Thai Tông đều sử dụng kỹ thuật này, tuy nhiên có thể họ không hiểu rõ công dụng hoặc không muốn giải thích rõ ràng. Công phu này nếu sử dụng lâu năm có thể đạt tới những tầng thiền định rất cao, đồng thời có công năng tiêu trừ bệnh tật. Bài tập này có thể sử dụng trong khi thiền định, ngoài ra khi rảnh rỗi, khi muốn thư giãn, khi thấy trong người không khỏe, khi bị bệnh đều có thể áp dụng với bất cứ tư thế nào cảm thấy thoải mái.

Ghi chú: Các công phu khi đem công truyền đều đã được hạ bậc so với công phu chính thống,  nói nôm na là công phu đã thủ công hóa, có một số công phu nghe rất đơn giản như trừu thiêm là hít vào thở ra thực chất lại rất cao không thể hạ bậc để công truyền, vì thế những gì có thể đem ra truyền dạy đều có hiệu quả và những công phu không thể công khai tức là không thể hạ bậc vì không hiệu quả, sư huynh giảng rõ như vậy để mọi người khỏi lăn tăn.

ĐẠO GIA TRÚC CƠ PHÁP

Trúc cơ pháp này là pháp sư huynh luyện đầu tiên từ thời kỳ mới lập diễn đàn đạo gia khí công này, mục đích để thu ngọc dịch, khai thông nhâm đốc dẫn tới hoạt tí thời sơ kết chân tâm. Tính ra từ khi bắt đầu trúc cơ pháp tới lúc hoạt tí thời phải mất khoảng 7,8 tháng, ngày nay với hỗ trợ của nước dưỡng sinh chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua giai đoạn này.
Yêu cầu của trúc cơ pháp là 2 bàn tay phải thông mạch, lấy giao kết thủ ấn đả thông huyền quan khiếu ở giữa 2 con mắt, qua đó thu được ngọc dịch hoàn đan, là pháp bảo chân truyền của đạo gia cổ truyền, có thể luyện bất kể giờ giấc.
Phương pháp ngồi tự nhiên, không gò bó về tư thế, ngày trước sư huynh thường ngồi dựa lưng vào tường, hai chân thả dài trên giường, mắt nhắm, hai hàm răng cắn lại nhưng hai môi lại tách ra, lưỡi đáp thượng kiều ngay dưới chân răng hàm trên.
Thủ ấn: 2 tay đặt dưới bụng, 2 lòng bàn tay xếp chồng lên nhau, quan trọng nhất là lóng thứ nhất của ngón cái này đặt trên lóng thứ nhất của ngón cái kia.
Ý thức nhẹ nhàng hướng xuống bụng dưới mục đích để đạo dẫn giáng khí.
Thực hiện đúng phương pháp như trên thì một lúc sau sẽ cảm thấy vùng sơn căn có cảm giác khí, có thể thấy hơi thốn và nước bọt sẽ tràn ra đầy miệng, chờ khi nào được 1 ngụm lớn thì nuốt xuống.
Với người dùng sản phẩm dưỡng sinh lâu ngày có thể huyền quan khiếu đã khai thông thì sẽ không thấy nước miếng tiết ra nữa mà chỉ thấy khí chuyển trên nhâm đốc.

LỤC TỰ CHÂN NGÔN

Lục Tự Đại Minh là vua của tất cả thần chú trong các cõi. Xuất xứ của thần chú này xưa nay nhiều người thường tưởng lầm là thần chú của đạo Phật nhưng theo Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh thì chính Như Lai cũng thừa nhận đến ngài cũng chưa đủ khả năng sở đắc, tức đến Phật cũng không biết. Thần chú này cũng không phải do ngài Quán Tự Tại Bồ Tát tuyên thuyết mà do ngài cầu được ở nơi một vị pháp sư không rõ nguồn gốc, do đó nó là thần chú chung của tất cả các cõi. Công năng của Lục Tự đại minh trong kinh đã nêu rõ không cần phải nghi ngờ, và chính các vị tổ sư đạo gia cũng phải nhờ nơi thần chú này mới có thể tìm ra đường tắt mà đắc đạo, biết thần chú này thì rút ngắn con đường 10 lần, không biết thần chú này thì kéo dài thêm 10 lần. Công năng thần chú này theo quan điểm đạo gia có thể phá bỏ mọi tắc nghẽn kinh mạch bất kỳ thuộc tầng lớp nào, từ nông đến sâu, từ thô đến vi tế, có thể thay thế ngay cả các bộ thủ ấn phức tạp và bí mật nhất cần phải sử dụng trong quá trình khai thông kinh mạch. Phật từng thọ ký sau này có ngài Đại Lực A Tô La sẽ thành Phật chỉ cần dựa vào duy nhất thần chú này có thể đủ tỏ rõ công năng.
Việc đọc hay nghe thần chú này đều có công năng như nhau. Do đó đối với đệ tử đạo gia cần phải nghe thần chú này bất cứ thời gian nào, thậm chí ngay cả khi thiền định, nghe 24h cũng như tụng 24h, không cần phải chăm chú lắng nghe mà cứ nghe một cách vô thức như khi nghe nhạc, bất kỳ tắc nghẽn nào cũng sẽ được gỡ bỏ mà không cần phải cầu học tới các bộ thủ ấn bí mật.
Om Ma Ni Pê Mê Hum

PHÁP CÀN KHÔN GIAO CẤU CỦA ĐẠO GIA

Pháp càn khôn giao cấu theo phương pháp của đạo gia đã được mã hóa bởi đại minh chú nhưng bởi có lẽ nhiều người muốn biết nó như thế nào mà lại được truyền thụ bí mật, để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mọi người nên sư huynh viết ra chứ thực tâm không muốn viết vì luyện theo phương pháp đạo gia chắc không mấy người thành công được rồi sinh tâm nghi hoặc đánh mất đạo căn. Đây là phương pháp đã hạ bậc, điều kiện luyện thành là chân tâm đã hỗn dung với ý thức, tức thông qua ý thức có thể điều động được chân tâm, đây chính là điểm khó nhất của phương pháp hạ bậc.
Định nghĩa một số thuật ngữ cần dùng:
1. Vũ hỏa: là động tác hít vào
2. Văn hỏa: là động tác thở ra
3. Càn cung: chỉ huyệt thiên cốc
4. Khôn cung: chỉ huyệt trung quản

Pháp Càn Khôn Giao Cấu
Pháp này chỉ luyện được nội trong giờ tí, đó là lúc nhị khí càn khôn xuất hiện.
Ở đây chọn dùng ngồi luyện.
1. Thu khí quẻ Khôn: Hai lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối,trên cơ sở đã hỗn dung ý thức với chân tâm thì thủ ý là ngưng thần, ngưng thần chính là thủ ý, đem ý thức đặt vào Khôn cung, dùng vũ hỏa liên tục hít vào thật nhẹ nhàng, càng hít vào lâu chừng nào càng tốt, lúc này địa khí sẽ từ bên ngoài vào trong ta theo huyệt trung quản, theo đốc mạch tràn lên đầu não, thực hiện phương pháp này đến khi thấy khí tràn đầy không thể tiếp nạp thêm nữa thì ngừng.
2. Thu khí quẻ Càn: Hai lòng bàn tay đặt úp trên đầu gối. Đem ý thức đặt vào Càn cung, dùng vũ hỏa nạp thiên khí như trên tới khi tràn đầy thì ngừng, khí này được chứa trong mạch nhâm phần trước bụng ngực
lưu ý: tràn đầy là chỉ tình trạng khí của càn khôn thiên địa chứ không phải là trạng thái hít vào không nổi nữa.
3. Hợp nhất Càn khôn: Sau khi nạp khí càn khôn thì cơ thể chia làm 2 nửa, phía sau lưng chứa địa khí, phía trước bụng chứa thiên khí, ta bắt đầu hợp nhất càn khôn. Dùng văn hỏa liên tục thở ra, càng chậm càng tốt, ý thức không đặt vào đâu cả, lúc này nhị khí càn khôn sẽ phối hợp trong khoang não, khi tiến trình phối hợp hoàn tất chúng sẽ trở nên hợp nhất thành một dạng khí có trước khi càn khôn phân chia gọi tiên thiên nhất khí, khí này sẽ từ khoang não di chuyễn xuống thành một vòng theo mạch nhâm đốc, từ khoang não xuống bụng, vòng ra sau lưng , đi lên đỉnh đầu và chứa tại một chỗ ở đỉnh đầu, đạo gia gọi là nê hoàn cung, hoặc đơn giản gọi là “đỉnh”, cái đỉnh này nằm ở tầng lớp bên trên lớp khoang não nơi hợp nhất càn khôn chân khí. Sau đó hai mạch nhâm đốc trở lên trống rỗng và ta tiếp tục lặp lại 3 bước trên cho đến hết giờ tí.

Bổ sung về thủ ấn:
Trong pháp càn khôn giao cấu nếu mạch chưa thông sẽ dẫn tới việc khó tiếp nạp thiên địa chi khí, vậy cần phải kết hợp dùng thủ ấn, có một số vấn đề cần trình bày như sau:
Càn khôn giao cấu tức là quẻ địa thiên thái, nghĩa là thiên khí giáng xuống, địa khí thăng lên vậy khi nạp địa khí thì ngửa lòng bàn tay có tác dụng khiến địa khí thăng lên mạch đốc, khi nạp thiên khí thì úp lòng bàn tay có tác dụng khiến thiên khí giáng xuống mạch nhâm, ngoài ra nếu vì mạch chưa thông thoáng khó tiếp nạp khí thì cần kết hợp thêm thủ ấn
– Khi nạp khí càn khôn thì hai đầu ngón tay cái đụng nhau sẽ khiến mạch nhâm đốc thông suốt
– Khi hợp nhất càn khôn thì 2 đầu ngón cái và 2 đầu ngón giữa chạm nhau khâu thành một vòng tròn, hai đầu ngón giữa chạm nhau có tác dụng mở cửa ngăn cách 2 mạch nhâm đốc trong xoang não khiến thiên địa chính khí tràn qua nhau mà hợp nhất lại.

TỊNH PHÁP GIỚI CHÂN NGÔN

Châu thiên nghịch chuyển là bài tập được giới thiệu đầu tiên đối với mọi thành viên đạo gia và thông qua tập luyện mọi người đều được biết nó có tác dụng khai thông kinh mạch rất lớn. Trước đây sư huynh chỉ giải thích sơ lược rằng nó có tác dụng sử dụng luồng tốn phong trong hô hấp nhằm đả thông những bế tắc trong kinh mạch nhưng thực ra là chưa tiết lộ đầy đủ. Khi chúng ta luyện châu thiên nghịch chuyển là chúng ta nhóm lên ngọn lửa tịnh hóa thân tâm, những người có đôi chút khả năng có thể nhìn thấy một ngọn lửa bao trùm hành giả khi người đó thực hành châu thiên nghịch chuyển. Một bất ngờ là ngay cả bài tập này cũng được mật tông mã hóa thành mật chú và nó chính là tịnh pháp giới chân ngôn, phạn âm đọc là “Om Ram”. Như vậy khi thực hành châu thiên nghịch chuyển chính là ta đang tụng tịnh pháp giới chân ngôn theo phong cách đạo gia và ta cũng biết mật chú này rất quan trọng đối với hành giả tu mật tông. Tùy theo cơ địa của hành giả mà chúng ta có thể chọn lấy một trong hai cách tập sao cho phù hợp nhất.

THẦN THÔNG – KHAI MỞ TAM MẠCH

Đây là phương pháp tập luyện để phát sinh các khả năng đặc biệt, là chung nhất, tổng quát nhất của tất cả các đạo phái, không có phương pháp thứ 2. Điều kiện tập luyện là phải điều khiển được các nguồn năng lượng thế gian, tuy nhiên với một số người đặc biệt có sẵn năng lượng tiềm tàng thì phương pháp tập này có khả năng kích phát thần thông.
1. Bài tập khai mở tam mạch
1.1. Khai mở tả mạch: Không yêu cầu bất kỳ tư thế đặc biệt nào, chỉ cần hai tay đưa qua trái thực hiện giống như ôm chồng gạch xếp cao, lòng bàn tay phải ở trên, lòng bàn tay trái ở dưới, hai lòng bàn tay đối nhau hợp với vú trái thành một đường thằng.
1.2. Khai mở hữu mạch: Giống như khai mở tả mạch nhưng đổi vị trí hai tay trên dưới và hợp với vú phải thành đường thẳng.
1.3. Khai mở trung mạch: Hai lòng bàn tay đối nhau hợp với huyệt đản trung thành một đường thẳng, hai tay có thể luân phiên thay đổi vị trí trên dưới.
Lưu ý: Kết hợp bài tập với tư thế trạm trang cũng có hiệu quả dưỡng sinh cao.
2. Khiển vật: nhìn một đồ vật và quán tưởng có thể kéo vật dịch chuyển từ xa hoặc quán vật đó biến mất, tan vỡ,…vv..
3. Thiên nhãn: Nhắm mắt tưởng tượng nhìn thấy các đồ vật trong phòng, ngoài đường
4. Thiên nhĩ: Tưởng tượng cố gắng lắng nghe ai đó đang nói từ nơi rất xa ngoài đường
Các phương pháp tập 2,3,4 nhằm mục đích để các nguồn năng lượng thoát khỏi cơ thể di chuyển tới vị trí mà ta muốn tác động, quan sát, khảo sát và nhận phản hồi.

Bài tập khai mở tam mạch thực chất chính là phương pháp gỡ phong ấn hỏa xà hay còn gọi là đánh thức kundalini, bài tập này đối với sư huynh thì không có một chút nguy hiểm nào nhưng theo tài liệu Yoga thì nó có thể gây tác hại lớn đối với người luyện thông thường, vì thế sư huynh khuyến cáo mọi người nên ngừng tập bài này.

Download Đan Đạo Kinh:

https://sites.google.com/site/khicongdaogia/file

EPUB:

https://www.dropbox.com/sh/sx1vplcyti2aypl/XxAf5z6U-0

http://www.box.com/s/050c87263d075740ba8d


Bản quyền thuộc về người dịch hoặc/và www.daogiakhicong.org

Bình luận về bài viết này